Thời tiết những ngày này thật khó chịu, mưa phùn, ẩm ướt, lạnh, chân bước đến đâu cũng có cảm giác ướt nhẹp. Chính xác là những ngày xuân mà ở miền Bắc chúng ta đang trải qua. Cảm giác dính dấp, ẩm ướt còn trở nên rõ rệt hơn với những thiết kế nhà ở thấp tầng, đặc biệt là các thiết kế nhà đẹp 1 tầng, biệt thự 2, 3 tầng có nền, hay sàn nhà xây sát mặt đất. Hiện tượng tự nhiên đó được dân gian gọi là ” nồm”. Hiện tượng nồm ẩm diễn ra do 2 nguyên nhân chính là:
– Trong không khí có quá nhiều hơi nước
– Nhiệt độ sàn nhà thấp hơn nhiệt độ của không khí.
Phần lớn nhà ở, biệt thự hiện nay đều phải đối mặt với hiện tượng này, tuy nhiên, như đã nói, hiện tượng thưỡng xảy ra ở những ngôi nhà thấp, còn đối với nhà cao tầng, chung cư như ở các thành phố lớn thì xảy ra ít hơn do độ ẩm không khí tại những khu vực này thấp hơn.
Thời tiết nồm ẩm- nhà bị nồm có hại đối với sức khỏe con người hay không?
Về cơ bản, kiểu thời tiết nồm ẩm sẽ gây ra cảm giác bức bối, dính dớp cho con người. Đặc biệt, đầy cũng là kiểu thời tiết dễ dàng sinh ra các bệnh như khớp, ho, hen suyễn, tim mạch, đau đầu và những căn bệnh mãn tính kinh niên của người cao tuổi. Điều này là do việc bài tiết qua da bị hạn chế, các lỗ chân lông bí không thoát hơi nên dễ gây ra cảm giác mệt mỏi, đau nhức và khó chịu. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên giữ cho da luôn khô thoáng để hạn chế tối thiểu những tác động xấu của thời tiết ” ẩm ương” thế này mang lại!
Tác động gián tiếp mà thời tiết nồm ẩm mang lại cho sức khỏe của bạn đó là việc không khí ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc, ruồi muỗi phát triển. Nếu nhà cửa không giữ khô khoáng, gọn gàng thì những vi khuẩn, côn trùng độc hại dễ dàng gây nguy hại cho sức khỏe gia đình bạn.
Dưới đây, chúng tôi sẽ tổng hợp tất tần tật những kinh nghiệm, cách xử lý nhà nồm ẩm cho gia đình bạn
Cách 1: Hãy chắc chắn rằng ngôi nhà của bạn luôn đóng kín cửa
Nếu trời nồm ẩm, bạn không nên mở cửa nhà, cửa sổ hay bất cứ một cánh cửa nào trong ngôi nhà biệt thự đẹp của mình! Nếu có thể, bạn nên bịt kín tất cả các lỗ thoáng để hạn chế tối đa không khí ẩm vào nhà. Đặc biệt là buổi sáng sớm và chiều tối và đêm là những thời điểm độ ẩm không khí rất cao và thường kèm theo mưa phùn ẩm. Chính vì thế nên hạn chế tối đa việc mở cửa nhà vào những thời điểm này!
Nếu bạn cảm thấy bí bách quá thì nên mở cửa khoảng 1- 2 tiếng/ ngày vào trưa hoặc đầu giờ chiều, tại những thời điểm nhiệt độ trong ngày cao hơn, sau đó lại tiếp tục đóng cửa để hạn chế tối đa việc trời nồm.
Cách 2: Lau nhà, lau nhà, và lau nhà!
Đây là cách tối ưu nhất để giữ ngôi nhà luôn khô thoáng, và sạch sẽ nhất. Lưu ý, nên sử dụng cây lau nhà khô để hút ẩm. Bởi nếu sử dụng giẻ ướt, tình trạng ngôi nhà của bạn càng trở nên tồi tệ và ẩm ướt hơn đấy!
Khi lau nhà, bạn cũng nên chú ý các khu vực thường hay phải di chuyển, không gian sinh hoạt chung và chuyển tiếp giữa không gian bên ngoài vào nhà như sảnh chính, sảnh phụ, phòng khách, phòng bếp, khu vệ sinh chung. Bởi đây là những khu vực thường xuyên phải sinh hoạt và có nhiều người đi lại, chính vì vậy, bạn cũng nên đặt nhiều giẻ khô tại các khu vực này để thấm nước, và lau chùi thật sạch sẽ, khô thoáng.
Cách 3: Bật điều hòa chế độ khô cũng là một cách hay!
Bạn đừng quên, điều hòa không khí của nhà mình là điều hòa 2 chiều. Bạn hãy đóng kín cửa và bật chế độ khô cho căn phòng của nhà mình. Đây là biện pháp mà chúng tôi gọi là ” cưỡng chế tự nhiên”. Và cũng là một giải pháp tuyệt vời bởi sử dụng chế độ khô, không khí ẩm mốc trong nhà sẽ được ” máy móc” hút ra ngoài và giúp lưu thông không khí, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, với những thiết kế biệt thự hay nhà ở có diện tích rộng, bạn cũng nên lưu ý nếu sử dụng cách này, cần phân chia không gian sử dụng cho hợp lý bởi diện tích sử dụng rộng, nếu bật điều hòa trong không gian lớn sẽ khá ” tốn kém”. Vì đó bạn nên áp dụng cách này cho những không gian nội thất nhỏ như phòng ngủ, phòng làm việc,… thì sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn trong những ngày trời nồm ẩm ướt!
Cách 4: Một số vật liệu hút ẩm không nên bỏ qua
Cách này sẽ phù hợp với các ngôi nhà với diện tích sử dụng rộng. Với các loại máy móc hút ẩm như thế này trên thị trường, bạn có thể dễ dàng mua được trên thị trường. Những không gian rộng như phòng khách, phòng bếp, … nên sử dụng những loại máy hút ẩm để đảm bảo tính khô thoáng nếu như gia đình bạn có điều kiện về mặt kinh tế thì việc sắm những thiết bị máy móc như thế này là thực sự cần thiết với mỗi gia đình cũng như nhu cầu sử dụng chung của các thành viên.
Cách 5: Sử dụng báo cũ
Báo cũ được sử dụng ở các khu vực đi lại, thềm cửa, sảnh để hút ẩm. Tuy nhiên, nếu như sàn nhà quá ẩm ướt, bạn cũng không nên sử dụng báo bởi việc đi lại và di chuyển quá nhiều sẽ khiến báo cũ hỏng và thành ” rác” ngay trong chính khu vực di chuyển của ngôi nhà.
Cách 6: Sử dụng phòng phơi đồ một cách hiệu quả
Quần áo ẩm ướt- không thể phơi khô trong những ngày thời tiết nồm ẩm. Chủ nhà nên sử dụng các loại tủ sấy đồ để giữ quần áo luôn khô thoáng và không có mùi hôi. Đặc biệt, nếu như gia đình bạn có phòng giặt, phòng phơi đồ thì là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu không có, bạn không nên treo quần áo ẩm trong nhà tắm… bởi độ ẩm không khí, độ ẩm trong nhà tắm và độ ẩm của đồ giặt sẽ khiến cho quần áo của bạn càng lâu khô hơn.
Có thể mang quần áo đến các tiệm sấy khô để chắc chắn rằng quần áo trong nhà luôn sạch và khô thoáng nhất. Điều này không chỉ giúp bạn có cảm giác thoáng, sạch mà ngôi nhà cũng trở nên khô ráo, đỡ ẩm thấp hơn.
Cách 7: Không sử dụng quạt khi trời nồm
Bạn có biết, ngoài không khí ẩm thấp thì gió cũng là nguyên nhân chính khiến ngôi nhà của bạn trở nên ẩm ướt trong những ngày này! Những cơn gió sẽ cuốn theo hơi ẩm vào nhà của bạn! Điều này cũng sẽ xảy ra tương tự nếu như bạn sử dụng quạt. Gió từ quạt sẽ khiến ngôi nhà càng ngày càng ướt hơn. Không khí ẩm ướt và gió ẩm sế khiến cho ngôi nhà của bạn càng ngày càng ướt thêm! Do vậy, bạn nên nhớ: Không sử dụng quạt trong những ngày trời nồm!
Cách 8: Tác dụng tuyệt vời của nước nóng- có thể bạn chưa biết?
Nước nóng có tác dụng rất tuyệt vời trong những ngày nồm để chống mốc và khử khuẩn. Đặc biệt đối với những vật dụng thường xuyên sử dụng như đũa tre, cốc chén,… Sau khi làm sạch thông thường, bạn nên sử dụng nước nóng để khử khuẩn, chống những tác động xấu như ẩm mốc.
Cách 9: Thường xuyên kiểm tra các vật dụng trong nhà
Bạn sẽ không thể ngờ được rằng những vật dụng thường xuyên của gia đình mình những ngày nồm ẩm cũng có thể ” đổ mồ hôi”. Bạn nên thường xuyên kiểm tra và lau khô để bảo đảm rằng nó vẫn hoạt động thường xuyên và không bị nấm mốc như: tủ lạnh, gương,…hay một số thiết bị gia đình khác.
Cách 10: Khắc phục mùi trong nhà khi trời nồm
Mùi hôi, sự ẩm ướt là điều không thể tránh khỏi khi thời tiết nồm ẩm. Nếu quá khó chịu, bạn có thể sử dụng thêm một chút tinh dầu thơm cho căn phòng để xoa bớt đi mùi khó chịu. Bạn cũng không nên sử dụng quá nhiều để ngôi nhà quá trở nên quá bưng bít.
Khi nấu ăn, bạn nên sử dụng thiết bị hút mùi, và dọn dẹp sạch sẽ khu vực bếp để tránh những mùi hôi khó chịu và vi khuẩn ẩm mốc tại khu vực này trong những ngày thời tiết nồm ẩm.
Cách 11: Tính toán biện pháp chống nồm ngay trước khi xây nhà
Đây là cách mà trong thiết kế kiến trúc- xây dựng hiện đại được các kiến trúc sư áp dụng cho nhiều công trình. Cách thức áp dụng là việc lựa chọn các vật liệu hoàn thiện để chống nồm như gạch lát sàn có khả năng chống ẩm, thấm nước tốt để hạn chế tối đa việc nước đọng lại trên sàn nhà. Biện pháp kĩ thuật được áp dụng là trước khi lát nền, sẽ lót một lớp một lớp cách nhiệt bằng xỉ than, hoặc các chất cách nhiệt để giảm sự chênh lệch nhiệt độ giữa không khí và sàn nhà.
Sử dụng trần cao, sàn gỗ tự nhiên cũng là những vật liệu xây nhà ở giúp cho nhà đỡ nồm hơn trong những ngày ẩm ướt.
Cách 12: Di chuyển trong nhà khi trời nồm
Việc di chuyển, đi lại trong nhà khi trời nồm cũng khiên bạn khá khó chịu, bởi những không gian ẩm ướt mà bạn phải đối mặt. Khi di chuyển, bạn nên chú ý việc đi lại, nên sử dụng giày dép đi trong nhà. Đặc biệt, nếu nhà có trẻ con, cần lưu ý đến những trơn trượt có thể xảy đến trong quá trình di chuyển của các thành viên trong gia đình để đảm bảo an toàn khi sử dụng
Ngoài những kinh nghiệm xử lý nhà khi trời nồm nêu trên, nếu bạn có những ” bí kíp” xử lý hiệu quả nào khác, bạn có thể chia sẻ với chúng tôi để cùng vượt qua những ngày thời tiết ẩm mốc này nhé!
Chúc bạn thực hiện thành công!